Nghị quyết 57 xác định rõ: KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Trong đó, đổi mới sáng tạo đóng vai trò động lực, chuyển hóa tri thức, công cụ thành ý tưởng, giải pháp. KHCN là nền tảng, tạo ra tri thức và công cụ. Chuyển đổi số hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra giá trị kinh tế.
Chính quyền số của tỉnh xếp hạng 16/63 về chỉ số chuyển đổi số. Trong ảnh: Người dân dễ dàng tra cứu, kiểm tra thông tin về TTHC tại các bộ phận tiếp nhận, giải quyết và trả thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết 57 không chỉ khẳng định vị trí quan trọng của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển quốc gia mà còn mở ra cơ hội lớn để đất nước và đặc biệt là các địa phương có điểm xuất phát thấp như Tuyên Quang bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Trong thực tiễn phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng đã chứng minh rõ vai trò, hiệu quả của KHCN và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Tại Công ty cổ phần Chè Sông Lô, công ty đã đổi mới công nghệ ứng dụng, cải tiến dây chuyền sản xuất tự động hóa trong sản xuất chè xanh cao cấp phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô cho biết: Hiện công ty có 440 ha vùng nguyên liệu chè ở thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn, Na Hang. Hằng năm, công ty xuất bán ra thị trường 3.500 - 4.000 tấn chè, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Để sản phẩm của công ty vươn tầm khỏi khu vực trong tỉnh, trong nước, mang lại giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao thì chuẩn hóa nông sản chính là chiếc chìa khóa quan trọng. Công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất chè đen OTD, máy vò, máy tách màu GTS 1200B, hệ thống bảo quản sấy, đóng gói tự động. Sản phẩm chè sản xuất ra đạt các yêu cầu của QRS theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Qua đó đã giúp cho sản phẩm chè đen của công ty đứng vững khi xuất khẩu vào các nước Trung Đông.
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) trước đây chỉ thu hoạch chè từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long cho biết: Từ năm 2017, HTX áp dụng công nghệ tưới phun mưa, giúp cây chè phát triển tốt, thu hoạch quanh năm, năng suất tăng 35%, tiết kiệm 30% nước tưới và chi phí chăm sóc. Tưới phun mưa đặc biệt hiệu quả với chè trồng trên nương đồi cao, đảm bảo chất lượng chè ổn định. Hiện HTX quản lý hơn 20 ha chè, sản lượng đạt trên 50 tấn búp tươi/năm, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho các thành viên.
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đông Dương (Hàm Yên) chia sẻ: Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc Nghị quyết 57 quy định dành 2% GDP cho nghiên cứu phát triển, 3% ngân sách quốc gia cho đổi mới sáng tạo, KHCN và chuyển đổi số thì cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng về những chính sách đột phá của Trung ương, địa phương và các cấp, ngành giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhất để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp Tuyên Quang trên thị trường toàn cầu.
Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành KHCN năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương khẳng định: Nghị quyết 57 không chỉ khẳng định vị trí quan trọng của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá hàng đầu để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội lớn để nước ta bứt phá trong kỷ nguyên mới. Nhưng cũng nhận diện và chỉ ra những tồn tại và thách thức như tốc độ đổi mới còn chậm, quy mô tiềm lực KHCN hạn chế, nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm tỉnh cần triển khai trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết. Theo đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, các quy định của Nhà nước nhằm nâng cao tiềm lực KHCN; đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và làm tốt công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển.
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở KHCN khẳng định: Tuyên Quang sẽ tận dụng Nghị quyết 57 để đột phá trong phát triển KHCN địa phương. Để thực hiện Nghị quyết 57 kịp thời, hiệu quả, cần loại bỏ rào cản cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ; cụ thể, rà soát, điều chỉnh quy định pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp lập quỹ phát triển KHCN; thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học; đầu tư mạnh vào hạ tầng số, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa để thu hẹp khoảng cách số. Thời gian tới, Sở sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết.
Để đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống, Tuyên Quang cần tập trung lãnh đạo, xác định rõ giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu để triển khai hiệu quả. KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặt nền móng cho những bước đi dài hạn của tỉnh.
Bài, ảnh: Dương Châu